Văn hóa - Di sản
Cục Di sản Văn hóa đã phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo – Tập huấn dành cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trong thời gian từ ngày 25-27/6/2018 tại thành phố Cần Thơ với sự tham gia của hơn 200 học viên là chuyên viên phòng Quản lý Di sản, Quản lý Văn hóa và Di sản Văn hóa, viên chức Bảo tàng, Ban quản lý di tích trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Văn hóa và Thể thao; Trưởng/phó/chuyên viên phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị, thành phố …
TS. Võ Thị Thường – Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Qua 3 ngày tập huấn, học viên được lĩnh hội nhiều kiến thức cơ bản về "Một số vấn đề trong nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam", "Kỹ năng nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu di sản văn hóa tộc người", "Di sản văn hóa phi vật thể - nhận diện và các biện pháp bảo vệ", "Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng – từ lý thuyết đến biện pháp thực hiện", "Kỹ năng kiểm kê, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích tiêu biểu của các dân tộc thiểu số Việt Nam" qua phần giảng dạy của TS. Võ Thị Thường – Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, TS.Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể - Cục DSVH, Ông Phạm Đình Phong - Phó Cục trưởng Cục DSVH…
Tại Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam" các học viên tích cực chia sẽ kinh nghiệm qua 7 ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu có 03 ý kiến chia sẻ và kiến nghị của 02 đơn vị Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng Côn Đảo…
Bà Lê Thị Hằng – Phó Giám đốc Bảo tàng Côn Đảo đề xuất một số giải pháp tại Hội thảo.
Với mong muốn sau khi tham gia Hội thảo – Tập huấn, các học viên sẽ góp phần huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của toàn xã hội, các chủ thể văn hóa và tổ chức, cá nhân có liên quan. Có các giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam một cách lâu dài, bền vững; giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam; thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của công chúng, nhất là các đối tượng học sinh, sinh viên./.
Tin, ảnh: Ngô Loan (Sở VHTT)