Nếp sống - Gia đình
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác triển khai thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua còn nhiều hạn chế nhất định. Qua công tác kiểm tra, theo dõi tại các huyện, thị xã, thành phố cho thấy ở địa phương nào người đứng đầu cơ quan tổ chức đặc biệt là chính quyền cơ sở quan tâm đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình thì ở đó các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai và đem lại những hiệu quả tích cực. Những địa bàn có triển khai, xây dựng thực hiện mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình thì số vụ bạo lực gia đình giảm hơn so với những địa bàn không triển khai mô hình. Tương tự như vậy, những địa bàn được quan tâm triển khai các hoạt động truyền thông sâu rộng về phòng, chống bạo lực gia đình thì ở đó các vụ bạo lực gia đình cũng ít xảy ra hơn những địa bàn không được tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình.
Lớp tập huấn về công tác gia đình và phòng chống Bạo lực gia đình do Bộ VHTTDL tổ chức tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Bạo lực gia đình thường bị che dấu đằng sau cánh cửa mỗi gia đình, vì vậy để nắm thông tin về bạo lực gia đình phải có mạng lưới cộng tác viên tại cộng đồng dân cư. Song, tỉnh không có đội ngũ cộng tác viên thực hiện thu thập thông tin và tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Đội ngũ công chức được giao triển khai nhiệm vụ về công tác phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay theo hình thức kiêm nhiệm, chưa có công chức chuyên trách về phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt cấp xã, phòng chống bạo lực gia đình không được giao trong nhiệm vụ chuyên môn (Theo thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30 tháng 10 năm 2012).
Công tác tổng hợp thông- tin về bạo lực gia đình được thực hiện theo ngành dọc. Mỗi cơ quan, tổ chức có cách tổng hợp theo đối tượng và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan/tổ chức nhưng chưa có sự chia sẻ số liệu giữa các ngành dẫn đến sự rời rạc và không thể khái quát được số liệu chung cho tình hình bạo lực gia đình của tỉnh. Ngành Công an, Phụ nữ, Y tế, Lao động- Thương Binh và Xã hội, Tư Pháp, Tòa án cùng tổng hợp báo cáo. Song, có những vụ bạo lực chỉ có 1 hoặc 2 hoặc 3 trong số 5 cơ quan nêu trên tổng hợp nên số liệu thiếu chính xác. Bên cạnh đó, các số liệu của các cơ quan nêu trên có thể chỉ phản ánh được bề nổi của tảng băng trôi. Số vụ bạo lực gia đình thực tế có thể cao hơn rất nhiều so với số vụ được báo cáo hiện nay (năm 2020 chỉ có 24 vụ bạo lực gia đình). Vì vậy cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình không chính xác không phản ánh đầy đủ tình hình về phòng, chống bạo lực gia đình, khó khăn cho công tác tham mưu, quản lý nhà nước.
Công tác truyền thông và giáo dục về bạo lực gia đình phát huy không cao. Các phương tiện truyền thông chỉ đưa tin các vụ việc, vào các sự kiện cụ thể, chưa thực hiện thường xuyên nên chưa chú trọng đến nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình. Các tài liệu truyền thông về Luật bạo lực gia đình từ Trung ương cũng chưa được thiết kế dễ hiểu, thân thiện với người dân. Nội dung về bạo lực gia đình cũng chưa được đưa vào các chương trình giáo dục chính thức trong khi các khóa đào tạo về kỹ năng sống, quyền con người, bình đẳng giới, bạo lực gia đình còn manh mún, thiếu sự đồng bộ và bài bản.
Triển khai chương trình hành động Phòng chống bạo lực gia đình Giai đoạn 2021-2025
Hiện nay, Chương trình hành động Phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021-2025 đã ban hành nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình ở các địa phương.
Các chỉ tiêu được đặt ra ra tập trung các nội dung đạt từ 95% trở lên ở việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân; phổ biến cho cán bộ thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình những kỹ năng, kiến thức, thông tin để tuyên truyền, can thiệp, xử lý các vụ bạo lực gia đình xảy ra; nạn nhân bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng, ngừa bạo lực gia đình, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân; củng cố, nâng cao chất lượng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, quản lý trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình cần tiếp tục phát huy. Đưa mục tiêu về phòng, chống bạo lực gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương hàng năm; Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Củng cố hệ thống tổ chức bộ máy, thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành. Đầu tư nguồn lực vật chất và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở các cấp.
Về công tác truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình. Bằng nhiều hình thức, đổi mới nội dung tổ chức các chiến dịch, các hoạt động truyền thông để tuyên truyền, phổ biến các nội dung công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tập trung vùng nông thôn, vùng có đông người lao động nhập cư, khu nhà trọ, vùng biển, các địa bàn có tình hình an ninh phức tạp, các đối tượng có nguy cơ cao. Tập trung xây dựng các tác phẩm sân khấu, tổ chức các hội thi, hội diễn, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ... thông qua các ngày kỷ niệm Quốc tế Hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (15/11-25/12). Tuyên truyền trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng tăng thời lượng, xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự; xây dựng tiểu phẩm, kịch bản sân khấu về phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền thông qua mạng xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình. Lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống vào các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, các chuyên đề kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi và học sinh tại các Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trong toàn tỉnh.
Một buổi nói chuyện chuyên đề ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 tại huyện Đất Đỏ
Duy trì và đẩy mạnh phát triển mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng, hộp thư, số điện thoại tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh đã được hình thành tại cộng đồng và các mô hình đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng. Trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện việc chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình và bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người là nạn nhân bạo lực gia đình, người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình chưa có việc làm. Can thiệp, xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình xảy ra ở địa phương. Tổ chức góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư đối với người gây bạo lực gia đình; áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người gây bạo lực gia đình.
Tăng cường vận động các nguồn lực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác gia đình; ưu tiên vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, khu nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa và tạo điều kiện để tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tổ chức lấy ý kiến về Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để khắc phục hạn chế về quy định của Luật, những bất cập, hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời hoàn thiện thể chế về công tác Luật phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp Hiến pháp năm 2013 nhất là phát huy vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình. Hơn nữa, với những giải pháp được đề ra trong kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình của tỉnh giai đoạn 2021-2025, là điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt hiệu quả.
Phúc Khang