Thể thao cộng đồng

Công tác xã hội hóa thể thao ngày càng sâu rộng
Những năm qua, phong trào tập luyện thể dục thể thao (TDTT) quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cùng với nhà nước, nhiều người dân, DN đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tập luyện theo hướng hiện đại, đồng thời tổ chức các giải thể thao phong trào.

CƠ SỞ VẬT CHẤT NGÀY CÀNG PHÁT TRIỂN

Mỗi sáng sớm và chiều, khu liên hợp thể thao 262, Lê Lợi, phường 7, TP.Vũng Tàu lại nhộn nhịp người dân đến tập luyện. 9 sân tennis, 2 sân bóng đá mini bằng cỏ nhân tạo, phòng tập gym thường xuyên hoạt động hết công suất vào thời gian cao điểm, nhất là từ khoảng sau 17 giờ. Ông Phạm Văn Triêm, Giám đốc Công ty CP Thể thao Vũng Tàu cho biết: Cụm liên hợp thể thao quần vợt - bóng đá quy mô 1,5ha do Công ty xây dựng từ năm 2004, với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng nhằm hưởng ứng chủ trương xã hội hóa (XHH) thể thao của tỉnh. 

Chạy xe 15km chở con trai từ xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền sang tập môn tennis tại đây, anh Đỗ Tấn Công cho biết: "Sẵn dịp nghỉ hè, cháu lại thích chơi tennis nên tôi gắng đưa cháu về đây tập luyện. Trong khi chờ con tập tennis, tôi cũng tranh thủ tập gym. Tôi thấy cơ sở sân bãi tập luyện tốt, HLV huấn luyện bài bản nên rất yên tâm. Mong sao ngày càng có nhiều DN đầu tư các khu thể thao như vậy để người dân có nơi rèn luyện sức khỏe". 

Xuất phát từ tình yêu với môn bi sắt nhưng lại thiếu sân tập luyện và thi đấu, năm 2017, ông Nguyễn Minh Phúc (53 tuổi, ở 752/9, Trần Phú, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) đã đầu tư gần 1 tỷ đồng làm 3 sân bi sắt tại khuôn viên nhà mình. Từ khi đưa vào hoạt động, 3 sân bi sắt nhà ông Phúc trở thành điểm hẹn của những người yêu bộ môn này, từ công chức đến những người lao động tự do, làm nghề bốc vác ở cảng cá hay ngư dân về bờ sau mỗi chuyến biển. Ngồi nghỉ sau khi chơi ván bi sắt, anh Võ Văn Thạch (phường Thắng Nhì) cho biết: "Chơi bi sắt đòi hỏi phải vận động toàn thân và còn luyện cả mắt khi ngắm bắn bi, qua đó giúp tôi tăng cường thể lực, nâng cao sức khỏe. Đến với bi sắt, tôi cũng ít còn la cà quán xá nên bà xã rất ủng hộ", anh Thạch nói.

Không riêng gì TP.Vũng Tàu, công tác XHH cơ sở vật chất tập luyện thể dục thể thao tại các địa phương khác cũng được quan tâm. Nhận thấy nhu cầu chơi bóng đá tại địa phương rất cao nhưng ít chỗ tập luyện, năm 2013, một người dân ở thị trấn Long Điền (huyện Long Điền) đã đầu tư 2 tỷ đồng làm 2 sân bóng đá mini Long Lâm tại số 224, Mạc Thanh Đạm, thị trấn Long Điền. Anh Mai Văn Phú, quản lý sân bóng cho biết: "Dù vốn đầu tư cao nhưng giá cho thuê sân lại rất thấp, chỉ 200.000 đồng/giờ. Để thu hút người dân đến sân chơi bóng vào buổi tối, từ 19 giờ trở đi, giá cho thuê sân giảm xuống chỉ còn 150.000 đồng/giờ. Giá cho thuê sân như trên chỉ đủ khấu hao tài sản trả tiền thuê đất, thuê nhân viên và chi phí khác chứ chủ đầu tư không có lời", anh Phú nói. 

Các em học sinh chơi bóng tại sân bóng đá mini cỏ nhân tạo Long Lâm (thị trấn Long Điền).

PHÁT TRIỂN THỂ THAO PHONG TRÀO

 

Bên cạnh việc đầu tư sân bãi, dụng cụ tập luyện, các tổ chức, cá nhân, DN cũng tổ chức hoặc tài trợ kinh phí tổ chức các giải thể thao phong trào có quy mô lớn tại TP.Vũng Tàu như: Giải Việt dã truyền thống Báo Bà Rịa-Vũng Tàu (1.000VĐV); Giải Cờ vua tranh cúp Hồ Mây, Giải Cầu lông các lứa tuổi tỉnh tranh cúp Proac, Giải Bóng bàn tranh cúp Cornilleau với số lượng VĐV mỗi giải khoảng 200-300 người. Theo ước tỉnh của Sở VH-TT, tổng kinh phí tổ chức các giải đấu được huy động từ nguồn XHH mỗi năm hơn 4 tỷ đồng. "Các giải thể thao được tổ chức bằng hình thức XHH đã huy động được tiềm lực kinh tế ngoài nhà nước, giúp cho các VĐV thành tích cao của tỉnh có thêm cơ hội cọ xát, thi đấu. Các giải thể thao này còn góp phần làm cho phong trào tập luyện TDTT phát triển trong mọi tầng lớp nhân dân", ông Đặng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, cho biết.

Các VĐV nam ở nhóm tuổi U10 thi đấu tại Giải cờ vua tỉnh BR-VT mở rộng tranh Cúp Hồ Mây Park 2018

Theo ông Đặng Văn Cường, chất lượng các giải đấu được tổ chức theo hình thức XHH ngày càng được nâng cao. Số lượng VĐV tham gia các giải thể thao phong trào ngày càng đông và thuộc nhiều lứa tuổi. Ngoài các VĐV trẻ còn có người cao tuổi, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số. "Các giải thể thao phong trào là cơ sở để chúng tôi tuyển chọn VĐV bổ sung cho đội tuyển tham dự các giải thể thao thành tích cao của tỉnh, khu vực và quốc gia. Có thể khẳng định, công tác XHH thể thao đã thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, đúng hướng của nhiều loại hình TDTT trong thời gian qua, đem lại hiệu quả xã hội tích cực. Việc các cá nhân, DN đầu tư cho cơ sở vật chất TDTT đã góp phần cùng ngành nâng cao thể chất của nhân dân, đồng thời san sẻ được "gánh nặng" đầu tư của nhà nước", ông Cường nói.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 507 câu lạc bộ TDTT ngoài công lập gồm: 17 câu lạc bộ (CLB) dưỡng sinh, 10 CLB thể dục thẩm mỹ, 16 CLB thể dục - thể hình, 47 CLB cầu lông, 38 CLB bóng bàn, 57 CLB billiards, 15 CLB quần vợt, 19 CLB bi sắt, 20 câu lạc bộ võ cổ truyền, 33 CLB taekwondo, 94 CLB bóng đá, 63 CLB bóng chuyền, 27 CLB vovinam, 33 CLB cờ tướng và các CLB khác như cờ vua, xe đạp, aerobic, yoga, bóng rổ, diều...

 

Bài, ảnh: THÀNH HUY


Văn Bản Mới

  • 236 /QĐ-BVHTTDL (14.02.2023)
    QUYẾT ĐỊNH Về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc...
  • 237/QĐ-BVHTTDL (14.02.2023)
    QUYẾT ĐỊNH Về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể...
  • 773/QĐ-BHVTTDL (04.04.2022)
    QUYẾT ĐỊNH Về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể...
  • 04/2022/QĐ-TTg (18.02.2022)
    Quyết định ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công...
  • 3279/QĐ-BVHTTDL (15.12.2021)
    QUYẾT ĐỊNH Ban hành Kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn...

Thư viện Video

Thư viện điện tử Xu thế tất yếu của Hội nhập

Bài hát về Bà Rịa - Vũng Tàu

Dịch vụ công trực tuyến

 

Mail công vụ

Thủ tục hành chính

 

Tra cứu Giải quyết hồ sơ

TTHC Khiếu nại tố cáo

 

Số liệu thống kê

Hỏi đáp trực tuyến

 

Góp ý - Hiến kế

Phổ biến pháp luật

 

Lấy ý kiến công dân

 

 

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 40436615
Số người đang truy cập: 1043