Văn hóa - Di sản
Vừa qua Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát 6 di tích khó khăn, vướng mắc trên địa bàn tỉnh gồm là Di tích lịch sử Trận địa pháo cổ Cầu Đá, Phường 2, thành phố Vũng Tàu; Di tích lịch sử Ăngten Parabol Viba, phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu; Di tích lịch sử Nhà số 18/5 Lê Lợi, phường 7, thành phố Vũng Tàu (nhà ông Trương Quang Vinh); Di tích lịch sử khu căn cứ Bàu Sen, xã Xà Bang, huyện Châu Đức; Di tích lịch sử Bến Lộc An (thuộc đường mòn Hồ Chí Minh trên Biển), xã Phước Bửu (nay là xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc); "Nhà cao cẳng "số 18 Lê Lợi, thành phố Vũng Tàu. Trong đó Di tích lịch sử khu căn cứ Bàu Sen, xã Xà Bang, huyện Châu Đức thuộc di tích cấp tỉnh, còn lại các di tích là di tích cấp quốc gia
Qua khảo sát cho thấy hiện trạng các di tích đang gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Di tích lịch sử Trận địa pháo cổ Cầu Đá các khẩu pháo đã bị các công trình dân dụng, nhà ở được xây dựng bao quanh khẩu pháo, hoặc xây đè lên khẩu pháo, hệ thống giao thông hào cũng bị san lấp. Di tích lịch sử Ăngten Parabol Viba, năm 2006, di tích bị cơn bão số 9 (Durian) đã làm 01 dàn đổ sụp hoàn toàn; dàn còn lại đã bị đổ phần một phần do bị rỉ sét ăn mòn nặng, nhiều thanh thép đã rơi xuống nên ảnh hưởng đến an toàn cho du khách tham quan. Di tích nhà ông Trương Quang Vinh các dấu vết vật chất về 2 căn hầm đã không còn, vị trí xác định của chúng cũng khó xác định. Di tích Nhà cao cẳng đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Dựa trên kết quả khảo sát, Sở Văn hóa và Thể thao đã đề xuất các phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi cho từng di tích di tích. Tại Hội thảo các địa biểu đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý để chọn ra phương án tối ưu, phù hợp, khả thi để đề xuất thực hiện. Các ý kiến của các nhà khoa học đến từ Đại học Văn hóa, thành phố Hồ Chí Minh TS Nguyễn Đức Tuấn, TS. Phạm Lan Hương đế xuất xem xét phương án thực hiện bảo tồn và phát huy các di tích có tính khả thi nhất, phù hợp các quy định của pháp luật về di sản và được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư. TS Nguyễn Đình Thống, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh bày tỏ quan điểm cần phải bảo tồn các di tích đến mức hữu hiệu nhất "bảo tồn ngay hôm nay những gì còn lại, nếu không làm ngày hôm sau không còn gì để bảo tồn" và ông cũng đưa ra các phương án bảo tồn cho từng di tích. Các ý kiến của ông Lê Văn Lâm, Phó trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện địa phương thành phố Vũng Tàu, huyện Châu Đức, Xuyên Mộc bày tỏ quan điểm thống nhất, đồng ý, ủng hộ về mặt chủ trương và phương án phù hợp với quy mô, ý nghĩa của các di tích.
Sau cùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao kết luận, tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa, bổ sung các báo cáo về cơ sở pháp lý, sự cần thiết cũng như hoàn chỉnh các phương án được thống nhất của các địa biểu tại cuộc họp để xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Lưu Hạnh